Các doanh nghiệp sản xuất nhựa đang rầu rĩ khi thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP 1% chỉ còn áp dụng ba tháng cuối 2016. 2017, mức thuế này sẽ tăng lên 3%.
Các doanh nghiệp nhựa đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhựa từ các nước lân cận nhập sang VN.
Thuế tăng khiến chi phí đầu vào tăng lại tiếp tục thách thức khả năng cạnh tranh.
Lộ trình từ 1% đến 3% là bởi... WTO
Sở dĩ các doanh nghiệp sản xuất nhựa kêu trời bởi năng lực cung ứng nguyên liệu nhựa PP trong nước chỉ mới đáp ứng được 100.000 - 150.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng lên đến 1,2 triệu tấn/năm, chưa kể nhu cầu tăng trưởng của nguyên liệu này được Hiệp hội Nhựa VN (VPA) xác định trung bình 15%/năm.
“Với khoảng 3.000 doanh nghiệp nhựa đang hoạt động thì việc tăng thuế nhập khẩu PP lên mức 3% đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kể nó còn làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, tăng sức ép buộc phải tăng giá ở thị trường nội địa do chúng tôi phải nhập khẩu có giá cao hơn trước” - ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM, khẳng định.
Theo ông Anh, việc thuế nhập khẩu PP tăng trở lại lên mức 3% không nằm ngoài nguyên nhân Chính phủ đã có cam kết đối với Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn về sản phẩm đầu ra của hai dự án này.
Tuy nhiên, cho đến nay Nghi Sơn vẫn chưa có sản phẩm đưa ra thị trường, còn năng lực cung ứng của Bình Sơn, theo VPA, chỉ ở mức 150.000 tấn/năm đối với PP.
“Chính sách này nhằm bảo hộ ngành sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước, nhưng việc bảo hộ có vẻ chưa phù hợp khi khả năng cung ứng trong nước vẫn đáp ứng quá ít so với nhu cầu thực tế” - ông Anh nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Đức Huy - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết việc tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP lên 3% từ ngày 1-1-2017 là theo cam kết WTO.
Trả lời về việc có phải tăng thuế nguyên liệu nhựa để bảo hộ sản xuất cho hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, ông Huy cho rằng mục tiêu chính là để... khuyến khích sản xuất trong nước đối với các mặt hàng trong nước đã có đầu tư sản xuất.
Về thực tế sản xuất trong nước mới đáp ứng được 1 phần và VN vẫn phải nhập tới 4 phần, ông Huy khẳng định chính vì thế mà việc tăng thuế từ 1% lên 3% đối với nguyên liệu nhựa là có lộ trình chứ không phải ban hành văn bản rồi áp dụng ngay.
Trước khi trình Chính phủ dự thảo nghị định biểu thuế suất ưu đãi, ông Huy nêu Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và phía doanh nghiệp cũng đã “thông” việc này rồi.
Sau khi nghị định ban hành, đáng lẽ sẽ áp dụng từ ngày 1-9, tuy nhiên để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mức thuế mới được nới thời gian có hiệu lực lên 4 tháng, tức là từ tháng 1-2017.
Mặt khác, ông Huy gợi ý: nếu cần phải nhập thì doanh nghiệp vẫn có thể nhập mặt hàng này từ các thị trường mà VN có ký kết các hiệp định thương mại như ASEAN... với mức thuế nhập khẩu được ưu đãi đặc biệt là 0%.
Tăng thuế, doanh nghiệp nhựa nước ngoài sẽ hưởng lợi
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước, khi vừa hay tin thuế nhập khẩu PP của VN sẽ “bò” lên lại mức 3% vào đầu năm 2017, các công ty thương mại từ các nước trong khối ASEAN đã đánh tiếng sẽ tăng giá bán tương ứng với mức thuế sẽ điều chỉnh mà không nói rõ lý do, dù thuế suất nhập khẩu từ các nước này chỉ là 0%.
Theo ông N.V.B. - phó giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất nhựa gia dụng có sử dụng nguyên liệu PP, các doanh nghiệp rất chia sẻ về việc Nhà nước có những bảo hộ nhất định đối với một số lĩnh vực đầu tư thượng nguồn nhằm cải thiện năng lực cung ứng nguyên liệu trong nước.
Tuy nhiên, việc bảo hộ cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí phải xem xét một cách đồng bộ với năng lực, tỉ lệ đáp ứng của chủ đầu tư trong khoảng thời gian phù hợp.
“Tôi nghĩ các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ vui vẻ chịu mức thuế nhập khẩu 1% như là một cách chia sẻ. Nhưng vượt hơn tỉ lệ này thì nó lại trở thành gánh nặng cho nền kinh tế khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường thật sự bị yếu đi, bởi giá thành đầu vào kém cạnh tranh so với các nước.
Thậm chí, thành phần được hưởng lợi thật sự chỉ rơi vào các công ty thương mại hoặc các nhà sản xuất nguyên liệu nhựa đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc - những quốc gia mà doanh nghiệp Việt đang phải mua nguyên liệu rất lớn” - ông N.V.B. bày tỏ.
Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực nhựa, trong tương lai, việc sử dụng công cụ thuế như là một cam kết ưu đãi cho nhà đầu tư cần được Nhà nước tính toán lại sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nếu việc ưu đãi chỉ mang lại phần lợi cho một bộ phận nhỏ nhà đầu tư, nhưng có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của cả một ngành hàng khác, thì cơ hội vươn lên đối đầu với doanh nghiệp của nước khác của cả một ngành hàng sẽ thêm nhiều thách thức.
Nguy hiểm hơn, theo vị chuyên gia này, trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn còn phải loay hoay tính bài toán chi phí đầu vào, làm sao giữ được thị phần khi thuế tăng thì doanh nghiệp nhựa các nước đang mang sản phẩm hoàn chỉnh sang “chiến đấu” ngay tại VN mà không gặp một chút khó khăn nào.