Hotline: 0908961396 | Kỹ thuật: 0913 5454 82 | CSKH: 028 3601 8286 

Doanh nghiệp nhựa trong nước đối mặt nguy cơ “bị thâu tóm”

08/11/2016
Doanh nghiệp nhựa trong nước đối mặt nguy cơ “bị thâu tóm”
Thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), các doanh nghiệp nước ngoài đang từng bước muốn thâu tóm các doanh nghiệp nhựa của Việt Nam.
 Tại hội thảo “Ngành nhựa xây dựng Việt Nam - Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà”, được tổ chức tại TP.HCM ngày 2/11 vừa qua, các chuyên gia cho biết, ngành nhựa Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh và nguy cơ bị thâu tóm thông qua các thương vụ M&A từ các doanh nghiệp ngoại.
Ngành nhựa Việt Nam được đánh giá là đang có nhiều tiềm năng phát triển khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực tại Việt Nam. Nhiều đại gia ngoại đã tham gia đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế mà ngành nhựa của Việt Nam đang có.
 
Ngoài những tác động từ các hiệp định thương mại thì bản thân môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết, các doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào ngành nhựa tại Việt Nam, là nhằm tận dụng các ưa đãi đầu tư về đất đai, thuế, giá nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công...
 
Ngành nhựa cũng có đặc thù là cồng kềnh, khó vận chuyển nên thay vì mang sản phẩm sang bán trực tiếp thì các nhà đầu tư nước ngoài tìm các công ty ở Việt Nam để thâu tóm. Chính vì lý do này mà theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBankSc) cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách tham gia vào thị trường Việt Nam qua kênh M&A. Bên cạnh đó, đối tượng mà các nhà đầu tư ngoại ưa chuộng là triển khai những thương vụ M&A, mua doanh nghiệp nội địa đã có thị phần và hoạt động tương đối tốt để tiết kiệm chi phí.
 
Hiện nay, trên thị trường ống nhựa, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) chiếm 60% thị phần miền Bắc và CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) chiếm 50% thị phần miền Nam. Do đó, việc các doanh nghiệp ngoại tham gia M&A những doanh nghiệp lớn này là điều dễ hiểu. Trong khi đó, room khối ngoại đối với doanh nghiệp nhựa có thể lên đến 100% khiến cho việc chen chân của doanh nghiệp ngoại vào các doanh nghiệp nhựa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Điển hình, Tập đoàn SCG (Thái Lan) dự kiến tăng vốn đầu tư lên 6 tỷ USD để gia tăng sức mạnh trong ngành nhựa Việt Nam từ đây cho đến năm 2020. Còn Tập đoàn Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) cũng đã mua lại Công ty Bao bì Minh Việt từ Masan, đã thực hiện thu gom cổ phiếu CTCP Nhựa Tân Tiến trên thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu và chuẩn bị những bước đi xâm nhập vào thị trường.
 
Trước sức ép cạnh tranh quá lớn, doanh nghiệp nhựa xây dựng Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư để vượt qua những đối thủ lớn trong khu vực. Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, với chiến lược thâm nhập thị trường và thâu tóm bài bản, các doanh nghiệp ngoại đang từng bước chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, dẫn đến sản phẩm nhựa của doanh nghiệp sản xuất trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoại có kinh nghiệm hoạt động đa quốc gia, tham gia nhiều thị trường quốc tế, nguồn tài chính mạnh mẽ... càng dễ dàng tận dụng các lợi thế của thương mại tự do tại Việt Nam để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
 
Tuy nhiên, ông Đăng khẳng định, sản phẩm nhựa Việt Nam tuy xuất hiện sau nhưng chất lượng được đánh giá tốt, giá thành tầm trung, thời hạn bảo hành cao và chiếm được tình cảm của người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, nếu doanh nghiệp nhựa Việt Nam đầu tư sản xuất, sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao và thị phần tăng lên. Thực tế, các sản phẩm nhôm composite, tấm trần, nẹp trang trí, hàng nội địa đang chiếm đến gần 100% thị phần.
 
Ông Đăng cho rằng hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển của ngành nhựa xây dựng. Cụ thể, theo quy hoạch phát triển ngành nhựa, cơ cấu ngành nhựa sẽ có sự chuyển dịch, giảm nhựa gia dụng và bao bì, gia tăng thị phần nhựa xây dựng từ 18% trong năm 2015 lên 25% vào năm 2020 và đến năm 2025 tăng lên mức 27%.
 
Ngoài ra, ngành bất động sản, xây dựng đang tiếp tục phục hồi đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhựa. Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Ngân hàng và Phát triển Việt Nam (BSC), nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa trong nước năm 2016 và những năm tới dự báo tiếp tục khả quan. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ bình quân đầu người sẽ tăng và đạt 45 kg/người/năm vào năm 2020, tương đương tỷ lệ tăng trưởng là 4%/năm.
Mỹ Hằng
VPAS