Hotline: 0908961396 | Kỹ thuật: 0913 5454 82 | CSKH: 028 3601 8286 

Xuất khẩu sản phẩm nhựa 11 tháng đầu năm 2016 và dự báo năm 2017

04/02/2017
Xuất khẩu sản phẩm nhựa 11 tháng đầu năm 2016 và dự báo năm 2017
Xuất khẩu sản phẩm nhựa sang các thị trường trên thế giới 11 tháng đầu năm 2016 đạt mức tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015, thu về gần 2 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới 11 tháng đầu năm 2016 đạt mức tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015, thu về gần 2 tỷ USD.
 
Cả năm 2016, ngành nhựa xuất khẩu ước đạt 2,54 tỷ USD, tăng nhẹ so với con số hơn 2,4 tỷ USD vào năm 2015; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm – bán thành phẩm nhựa đạt khoảng hơn 2,1 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng là 5,9% so với năm 2015; nguyên liệu nhựa xuất khẩu trên 345,8 triệu USD, giảm hơn 13,6% về lượng và 14,4% về giá trị. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do các sản phẩm nhựa Việt phải chịu áp lực cạnh tranh khá cao với các sản phẩm nhựa ngay tại các thị trường chính là Nhật Bản, Hoa Kỳ và hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác khi đồng Việt Nam lên giá tương đối so với các đồng tiền khác.
 
Trong 11 tháng đầu năm 2016 có 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trở lên, bao gồm: Nhật Bản 468,2 triệu USD, chiếm 23,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của cả nước, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2015; Hoa Kỳ 300,7 triệu USD (chiếm 15%, tăng 8,9%); Hà Lan 116 triệu USD (chiếm 5,8%, tăng 2,4%); Hàn Quốc 111,4 triệu USD (chiếm 5,6%, tăng 48%); Đức 102,2 triệu USD (chiếm 5%, giảm 3,7%) .
 
Các thị trường xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ gồm có: Hàn Quốc (+48%), Indonesia (+31%), Ấn Độ (+36%) và Singapore (+24,6%). Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Thụy Sĩ, Thổ nhĩ Kỳ và Lào lại sụt giảm mạnh, với mức giảm lần lượt 38,65%, 32% và 26,7% so với cùng kỳ.
 
Theo dự báo của Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), kim ngạch xuất khẩu nhựa sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017, với mức tăng trưởng duy trì khoảng 3,5 - 6%. Nhật Bản và Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nhựa chính của Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, với nhiều quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa; trong khi đó một số doanh nghiệp Việt lại chưa có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn.
 
Đối với thị trường Hoa Kỳ, hiện sản phẩm túi nhựa vẫn tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá. Do đó, kim ngạch xuất khẩu túi nhựa sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Tuy vậy, thị trường này còn nhập khẩu nhiều các sản phẩm như vải bạt, nhựa gia dụng và các sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển và đóng gói. Bên cạnh đó, các sản phẩm tấm, phiến, màng nhựa đang là chủng loại có nhiều tiềm năng nhất ở thị trường này.
 
Riêng EU, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, bởi nhu cầu nhập khẩu nhựa vẫn ở mức cao, đặc biệt là sản phẩm ống nhựa. Ngoài ra, tại EU, các sản phẩm nhựa Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá như một số nước Châu Á khác. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu tại thị trường này.
 
Tuy vậy, những vấn đề khó khăn trong nội tại ngành còn khá nhiều, sẽ là những trở ngại để doanh nghiệp xuất khẩu phát triển trong năm 2017. Đó là việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào (70-80% các loại nguyên liệu nhựa phục vụ cho ngành phải nhập khẩu) làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
 
Điều này cũng khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, biến động giá hạt nhựa trên thế giới, biến động tỷ giá… cũng là những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp nhựa nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
My Hang
VPAS